Lan Hoàng Vũ

Bác không chơi được các loại địa lan, đặc biệt là lan Hoàng Vũ. Giống lan này chỉ có thể lớn lên, khoẻ khoắn, đâm hoa, toả hương khi người chơi nó có một trái tim nhân hậu, một tâm hồn thanh cao, khả ái.

Lan Hoàng VũChiều ba mươi tết. Tường và hai đứa con gái – cả hai đều là sinh viên đại học về quê nghỉ tết – đi chợ bán hoa tươi. Khoảng giữa chiều, Dung vợ Tường đạp xe đến chợ hoa kéo riêng chồng ra một chỗ, bảo:

– Cái ông gì mua chậu lan Hoàng Vũ của nhà mình gọi điện về. Ông ấy bảo nhà mình bán địa lan giả …

– Vậy em nói với ông ta thế nào?

– Em bảo nhà chúng tôi chưa bao giờ biết làm hàng giả, hàng rởm, bác hãy xem lại. Ông ta bảo ông ta xem kĩ rồi, nói với chồng cô hãy mang chậu lan khác lên đổi cho tôi. Nếu không, đúng ngày mồng một tết tôi sẽ chở chậu lan giả xuống tận nhà trả lại.

– Bây giờ ta tính sao? – Tường tỏ vẻ lo lắng.

– Để việc ở chợ em và các con lo, anh hãy lên nhà ông ta giải quyết dứt điểm, kẻo lỡ ngày mồng một, ông ta mang chậu lan trả lại rồi nói năng sàm sỡ gì đó, nhà mình giông cả năm. Thôi, anh đi ngay đi.

Lách qua các quầy hàng chật chội đậm đà hương vị chợ tết của miền quê đồng bằng Sông Hồng, Tường ra cổng lấy chiếc xe máy cà tàng, rẽ về phía đường cái nhằm hướng thành phố phóng nhanh.

Chiều ba mươi tết mà còn phải rời quê đi lo những việc khúc mắc, Tường cảm thấy một chút buồn tủi gợn lên.

Tường là Tiểu đoàn trưởng bộ binh. Do một “trục trặc kĩ thuật” mà Tường phải đeo hàm đại uý tới tám năm vẫn không lên được thiếu tá. Tường chấp nhận giải pháp về hưu non năm 44 tuổi. Về quê, nhận thấy Tường chân thật, thẳng thắn, có cốt cách gia giáo, dân chúng bỏ phiếu tín nhiệm Tường làm Chủ tịch xã. Khi ấy, vợ chồng Tường có hai đứa con gái. Chiều theo ý vợ đẻ thêm đứa thứ ba được thằng con trai. Đúng vào lúc lệnh cấm sinh con thứ ba ban hành. Tường bị cách chức Chủ tịch xã. Tuy có buồn mấy ngày, song Tường lại nghĩ: Mình có lương hưu đại uý rồi, hưởng thêm lương Chủ tịch xã nữa là tham. Lộc bất khả hưởng tận. Tri túc bất họa. Mình dừng lại ở đây để người khác làm là hợp lẽ đời, hợp cả ý trời. So với mức sống ở nông thôn lương hưu đại uý của Tường không phải là thấp. Nhưng Tường chưa đến tuổi 50, sức vóc còn xung mãn mà đã ngồi bằng lòng tửu sáng trà trưa như các vị bô lão, Tường không chịu nổi. Tường mở khoá ngăn tủ, chiếc tủ kinh cổ kính của người cha quá cố để lại, lấy mấy bộ Tam tự kinh, Ngũ thiên tự, Đạo đức kinh… ra mầy mò tự học. Tường nuôi hi vọng khi vốn chữ Nho đã kha khá, anh sẽ làm cái nghề viết thư pháp, khắc trạm trên các đền, miếu, lăng tẩm, giúp người để có niềm vui sống và có chút tiền công bù đắp vào đồng lương hưu để nuôi các con ăn học. Vậy rồi một hôm, từ trong ngăn sách chữ Nho của người cha rơi ra một tập tài liệu nói về các loài hoa địa lan. Tường đọc bị cuốn hút, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ đây Tường mới biết rằng địa lan là một loại hoa vô cùng quý giá. Lan có hàng trăm loài. Cội nguồn của các loài địa lan chính là các loài phong lan rừng, do con người thuần hoá dần mà thành địa lan. Lan càng ở trong rừng sâu, núi cao, vực thẳm càng quý. Vì sức tồn sinh dai dẳng, mãnh liệt, hút cái tinh khí của trời đất hoang sơ mà làm thành hương thơm. Sức sống thì bền bỉ, nhưng không phải ai cũng tầm và thuần hoá được lan; không phải ai cũng được lan ban tặng cho cái thanh tao thần diệu của nó. Thời Tần Thủy Hoàng, người ta đã biết thuần hoá lan. Trong cung đình có hẳn một ông quan chuyên nghề về lan, gọi là quan tầm lan. Ông này cùng với đám quần thần vào rừng sưu tầm các loài lan quý đem về thuần hoá cho vua thưởng ngoạn. Lúc vua thưởng lan thì ngay cả ông quan tầm lan cũng không được đến gần. Vậy nên mới có câu “vương giả chi lan” hoặc “vua chơi lan quan chơi trà”. Lan là thứ hoa vương giả, chỉ vua chúa mới được chơi, còn hàng quan chỉ được chơi hoa trà, dù là quan tầm lan cũng vậy.

Lan Hoàng VũBao thế kỉ đã trôi qua, địa lan được thuần hoá ngày càng nhiều, dù bây giờ lan không chỉ là thú chơi độc quyền của ai nữa nhưng không vì thế mà nó bị rẻ rúng. Nhiều người chơi lan là để tạo một bầu không khí thanh tao trong nếp nhà; có người chơi lan vì triết lí sống của lan ứng nghiệm với triết lí sống của mình; có người ươm lan nghiêng về mục đích kinh doanh. Tường ươm lan vì cả ba mục đích ấy. Các chậu lan của Tường dù để chơi hay để bán Tường cũng nâng giấc, gửi hồn mình trong đó. Tường cảm nhận được mọi cung bậc trong ngôn ngữ của các loài lan. Những chậu lan với Tường như những người bạn tri âm tri ngộ, vui buồn có nhau. Tuy thế, ai cần mua Tường vẫn bán. Cuộc sống hiện tại có quá nhiều món tiền vợ chồng Tường phải trang trải. Nhưng Tường không bán lan theo kiểu sòng phẳng, lạnh lùng. Mỗi lần bán một chậu lan, Tường có cảm giác lưu luyến như vừa tiễn một người thân đi xa, đôi khi buồn đến não lòng như một cuộc biệt li mãi mãi. Bởi thế, trước khi bàn giao một chậu lan cho khách, Tường thường phải giảng giải rất kĩ về giá trị cao quý, phương pháp chăm sóc, cách thưởng ngoạn lan. Và thường khách cũng rất lắng nghe Tường nói. Có người còn mời Tường qua lại nhà họ nhiều lần để thị phạm.

Chỉ riêng có ông ta – cái ông mà lúc này Tường đang phải tìm đến nhà giải quyết khúc mắc – là tỏ ra khác người. Chiều hôm ấy, ngày ông Táo lên trời, chiếc Nissan màu sữa đục rì rì tiến vào cái làng nghèo ven biển rồi đỗ lại trước ngõ nhà Tường. Từ trong xe thòi ra một người đàn ông quãng tuổi lục tuần, cao lớn nhưng dị tướng: Chân ngắn, đi vòng kiềng, lưng rùa hơi dài, cái mặt to nhưng vầng trán hẹp, mũi gãy, cằm vêu ra, cặp mắt chó giấy nhỏ và lạnh như hai mảnh thép. Ông ta bước thẳng vào sân lan của Tường, ngắm từng chậu rất kĩ. Cuối cùng ông ta dừng lại chỉ tay vào một trong số ít chậu lan quý:

– Cậu bán cho tôi chậu này!

– Thưa ông, đây là chậu lan Hoàng Vũ, hơi đắt. Lan Hoàng Vũ có đặc điểm…

– Khỏi cần nói nhiều! Bao nhiêu?

– Thưa ông! Tôi muốn nói kĩ một chút về chậu lan Hoàng Vũ này. Vì tôi sợ…

Tường tranh thủ nói nhanh cho ông ta biết sơ đẳng về cách chăm sóc, cách cho hoa ngậm sương lành, tránh sương muối, tránh ánh nắng chói gắt, tránh mưa quá độ. Tường toan nói: “Tôi sợ ông không hiểu tâm tính nó, nó sẽ phụ lòng ông” nhưng anh còn ngập ngừng thì ông khách đã ngắt lời:

– Cậu định quan trọng hoá, tâng bốc nó, làm cao để chém đẹp chứ gì?

Bị hiểu sai, Tường ức nghẹn cổ, nhưng Tường nhận thấy có nói điều gì lúc này cũng sẽ không lọt được vào tai con người oai vệ nhưng tự phụ này. Tường đành phát giá năm trăm nghìn đồng. Ông khách nài nỉ bớt ba mươi nghìn. Ông ghi số điện thoại nhà Tường rồi kẹp số tiền cùng với cac-vi-dit của ông trao cho Tường. Ông cùng với lái xe khiêng chậu lan đặt lên xe, bon bon chạy ra khỏi làng. Tưởng như thế là xong, dè đâu chỉ còn mươi tiếng đồng hồ nữa là giao thừa mà ông còn giở quẻ!

*

Lan Hoàng VũTường đưa tấm các có tên Đỗ Hạ Đẳng lên so với số nhà. Tường nhận ra nhà người cần tìm là toà biệt thự hai tầng khá lớn nhưng thiết kế có vẻ cục mịch, những hoa văn trang trí trên ban công, cửa sổ lại quá loè loẹt trông rất dởm. Tường không gọi điện trước cho ông Đẳng nhưng trông cái vẻ khoanh tay đi đi lại lại trên thềm hè thì cứ như ông đang sốt sắng mong Tường vậy. Vừa nghe xong câu chào của Tường, ông Đẳng đã trách:

– May quá, cậu lên đây rồi, tớ khỏi phải chở chậu hoa xuống trả!

– Chậu lan Hoàng Vũ bị làm sao ạ?

– Nó là hoa dởm chứ sao! Hoa không hương mà cậu dám nói với tôi là hoa cao quý lắm!

Một thoáng lo ngại với Tường. Cái hôm hăm ba tháng Chạp, tức là cách hôm nay sáu ngày, ông Đỗ Hạ Đẳng đến mua chậu Hoàng Vũ, hoa mới e ấp chớm hé, dù còn để ngoài sân Tường đã cảm nhận được một mùi hương thanh cạo, bịn rịn của nó. Chỉ tiếc rằng hôm ấy ông Đỗ Hạ Đẳng có vẻ vội nên Tường không hướng dẫn cho ông biết cách thưởng hương.

Tường theo chân ông Đẳng leo cầu thang lên tầng hai. Bên cạnh bộ sa lông đời mới, chậu lan Hoàng Vũ đặt trên cái đôn sứ màu xanh biếc. Các bông hoa đã nở vừa đủ độ đẹp, cánh hoa màu vàng cam, phơn phớt tím ở mỗi cuống bông trông giống nhưng nàng vũ nữ đang nhảy múa. Các nàng vũ nữ này ban ngày đứng theo một hướng, múa vũ điệu ban ngày; ban đêm lại xoay hướng khác, múa vũ điệu ban đêm. Vậy nên mới gọi là lan Hoàng Vũ.

Tường ngồi xuống chiếc sa lông phía phải chậu lan, anh không cảm nhận thấy mùi hương. Ngồi sang chiếc sa lông bên trái, Tường cũng không cảm nhận được gì. Lẽ ra vào một buổi chiều nắng nhẹ, chớm tiết xuân se lạnh thế này lan Hoàng Vũ phải toả hương đậm đà mới phải. Bây giờ thì Tường lo ngại thực sự. Tường quan sát xung quanh căn phòng xem có vật gì gây hãm hương của Hoàng Vũ không. Tường chẳng thấy có con thạch sùng hay con chuột chết nào. Cũng không thấy mẩu thuốc lá hay sái thuốc lào vất quanh. Căn phòng quét ve màu ghi sáng. Mọi đồ vật đều còn mới, đắt tiền, tuy không sang trọng lắm. Tường láng máng nhận ra một điều gì đó, rất có thể không phải nguyên nhân từ chậu hoa. Tường bảo ông Đỗ Hạ Đẳng:

– Thưa ông! Chúng tôi thành thật xin lỗi vì đã bán cho ông một chậu hoa không được như ý. Nếu ông thông cảm, chúng tôi xin đổi cho ông một chậu khác, tuỳ ông chọn.

– Chính tôi cũng đang cần cậu nói câu đó – Đỗ Hạ Đẳng vừa nói vừa móc điện thoại di động lên gọi – Chú mày đấy à? Đánh xe đến đưa anh đi có việc nhé!

Một lát sau, chiếc Nissan màu sữa đục đã chở ông Đỗ Hạ Đẳng, chậu lan Hoàng Vũ và Tường xuôi về dưới làng quê. Tường bê chậu Hoàng Vũ vào căn phòng ngôi nhà xây giản dị của anh, vừa đặt lên một cái đôn thì mùi hương tinh khiết, thanh cao từ các bông hoa toả ra như quấn quýt lấy anh.

– Bác Đẳng, bác Đẳng ơi, lan Hoàng Vũ toả hương đây này!

Khi ấy ông Đỗ Hạ Đẳng đang đi dạo ngoài sân lan. Ông chạy vào đến nơi dúi sát mũi vào những bông Hoàng Vũ hít lấy hít để một hồi. Ông ngẩng lên nói sẵng:

– Cậu chơi xỏ tôi đấy phải không? Làm gì có tí hương nào!

Quả thực lúc này chậu Hoàng Vũ đã ngừng toả hương. Ông Đỗ Hạ Đẳng hậm hực quay ra. Nhưng, khi ông vừa bước chân đến sân lan, chậu Hoàng Vũ lại từ từ nhả hương. Tường gọi:

– Bác ơi quay lại đi! Nhưng bác bước thật nhẹ thôi. Lan Hoàng Vũ lại đang toả hương đấy!

Đỗ Hạ Đẳng bán tín bán nghi, bước những bước thật nhẹ. Vào đến cách chậu lan khoảng một mét, mắt ông như loé sáng miệng ông reo lên:

– Đúng, nó toả hương thật!

Ông hít thêm mấy lần. Một lát sau ông lại kêu:

– Nó không toả hương nữa, mẹ kiếp! Cái chậu lan của cậu như có ma ám vậy?

Tường cũng nhận thấy chậu Hoàng Vũ lại ngừng toả hương. Bây giờ thì Tường dám chắc nguyên nhân gây ra hiện tượng chập cheng thất thường này không phải tại chính những bông lan. Tường pha một ấm trà mời ông Đẳng, rồi nói:

– Để giúp bác chơi được chậu lan Hoàng Vũ này, tôi muốn bác nói thật về bản thân mình một vài điều được không ạ?

– Được chứ sao không! – Ông Đẳng đáp và nhìn soi mói toàn thân ông cựu đại uý làm nghề ươm hoa. Hẳn là một gương mặt phong sương, có vẻ nho nhã nhưng quê mùa; một bộ quân phục cũ bạc màu của Tường đã không cho ông Đẳng một mối ác cảm nào khiến ông phải cảnh giác, giữ gìn.

– Tôi hỏi thật, gần đây bác có đi ăn chơi ở đâu không? – Tường nói đến đó sợ ông Đẳng không hiểu ý nên nói tiếp – Chẳng hạn như bác có đi… vui vẻ với cave hay gái bao gì đó không?

– Chậc! Chuyện ấy thời buổi bây giờ thằng đàn ông nào chả dính một tí. Tớ mới ăn nằm cả đêm với một con bé mười chín tuổi ở khu nghỉ mát Bảo Long, sướng hết tầm …

– Xin được chia vui với bác – Tường nói, giọng giấu một chút giễu cợt – Vậy chứ gần đây bác có giành giật, đấu đá gì đó với ai không?

– Tớ mới đánh nốc ao hai thằng. Cả hai đều là trí thức!

– Bác giỏi thật đấy! Mà nếu không giỏi thì cũng phải quyền biến lắm mới đốn ngã được hai nhà trí thức. Chuyện hấp dẫn nhỉ, bác kể nghe nào!

– Thằng thứ nhất là một tên được người ta gọi là nhà văn trẻ. Cách đây mấy năm gã nhà văn trẻ đó viết cái truyện ngắn in báo. Ai đọc cũng bảo thằng cha nhân vật cán bộ hôi hám, suy đồi ở trong tác phẩm đó rất giống tớ. Mặc dù tớ và tay nhà văn trẻ đó không hề quen biết nhau nhưng đọc xong cái truyện ngắn ấy bụng tớ tức anh ách. Được, mày viết ám chỉ ông thì ông sẽ cho mày biết thế nào là lễ độ! Đúng dịp đó, vị thủ trưởng cơ quan của tay nhà văn trẻ về hưu, tớ liền tư vấn cho cấp trên bổ nhiệm một gã vốn có gốc gác làm nghề đánh bả chó thế chân vào cái ghế đó. Vậy là trong mấy năm liền vị thủ trưởng nọ nó trị cho tay nhà văn trẻ lên bờ xuống ruộng bằng đúng cái miếng võ chuyên dùng để đánh bả chó của nó. Cuối cùng tay nhà văn trẻ bị nốc ao. Mất toi chức trưởng phòng!

– Sau đó anh ta còn viết được văn nữa không?

– ấy, cái giống nhà văn nhà vẻ nó quái quỉ lắm, mất chức rồi nó vẫn viết được văn. Nhưng mà ai thèm đọc văn của một thằng mất chức! Nói thật, quan sát thằng đánh bả chó nó hạ thủ tay nhà văn trẻ, tớ cảm thấy rất sướng mắt!

– Còn ông trí thức thứ hai bác cho nốc ao là ai?

– Một tay kĩ sư cầu đường, giữ chức vụ giám đốc công ty. Cái hôm tay này chỉ đạo thi công mở rộng đường phố chạy qua nhà tớ, tớ bảo nó tiện thể có xi măng, cát, đá, đổ giúp tớ cái sân sau. Tay này hứa dơi hứa chuột làm đẹp lòng tớ lúc đấy, sau đó thì quên luôn. Được rồi, mày không biết đến tao thì tao sẽ cho mày biết tao là ai! Trí thức nghĩa là những kẻ có bằng cấp, học vị. Ta sẽ đánh vào đúng cái bằng cấp, học vị của nó thì nó mới đau nhớ đời. Tớ xem bằng đại học của nó, không có tì vết gì. Xem tiếp bằng cấp ba, cũng không có gì sơ xuất. Xem đến bằng phổ thông cấp hai. Đây rồi! Phốt đây rồi! Dòng ngày tháng năm sinh lệch một con số so với lí lịch cán hộ. Tấm bằng lại viết bằng hai loại mực. Tớ biết đây là tấm bằng tốt nghiệp xịn, chẳng qua thời chiến tranh người ta chưa coi trọng bằng cấp lắm nên viết sơ suất thôi, nhưng vì ghét thằng kĩ sư, tớ xui mấy thằng đầu mặn phát đơn kiện. Tay kỹ sư vừa chỉ đạo làm xong cái đường phố ấy cũng là lúc nhận án kỉ luật khai man bằng cấp, mất chức giám đốc công ty, xuống làm công nhân nấu nhựa đường. Nói thật, quan sát thằng kĩ sư bằng đỏ thất sủng như chó cụp đuôi phải gò lưng thổi lửa nấu nhựa đường tớ cảm thấy rất sướng mắt!

– Vậy là rõ rồi! Loại người như bác sẽ không bao giờ chơi được lan Hoàng Vũ!

Câu nói mang tính khẳng định của Tường khiến Đỗ Hạ Đẳng sững người như kẻ chết ngồi trên sa lông. Đẳng nhìn chăm chắm vào Tường một hồi lâu. Hóa ra cái thằng cha làm nghề ươm hoa ở cái làng ven biển nghèo xác xơ có tướng mạo hiền hiền, quê quê này không dễ bắt nạt. Bây giờ, Đỗ Hạ Đẳng mới nhận ra mình dại dột, đã coi Tường như một đứa trẻ con quê mùa, mông muội, chót kể ông ổng những chuyện “sát phạt nội bộ” mà đáng lẽ ông phải giữ kín.

– Bác không chơi được các loại địa lan, đặc biệt là lan Hoàng Vũ – Tường nhắc lại như có ý nhấn mạnh ý nghĩa của lời nói – Giống lan này chỉ có thể lớn lên, khoẻ khoắn, đâm hoa, toả hương khi người chơi nó có một trái tim nhân hậu, một tâm hồn thanh cao, khả ái. Còn bác thì thân xác nhầy nhụa mùi nhà thổ, lòng dạ tối tăm, hẹp hòi, đê hèn, độc ác…

– Câm mồm! Tao đến đây để bắt mày phải đền chậu hoa chứ không phải để nghe mày lên lớp đạo đức – Chợt nhìn thấy một chữ Nho do Tường viết bằng mực Tàu trên nền giấy đỏ treo trên tường, Đẳng tỏ ra khinh bỉ, nói tiếp – nho nhe mất nhóc nhách! Liệu cái phần hồn đấy!

Nói xong, Đỗ Hạ Đẳng phăm phăm bước ra sân lan, chọn một chậu hoa to nhất, nở nhiều hoa rực rỡ nhất bảo chú lái cùng ông khiêng lên xe. Khi ngồi vào ghế xe, trước khi đóng cửa, ông chỉ vào chậu lan nói với Tường:

– Chậu lan này to hơn chậu lan tớ vừa trả lại một tí, nhưng tớ không trả thêm tiền đâu vì tớ phải phạt cậu về tội xấc láo. Chào nhé. Chúc mừng năm mới…

Tường định nói với Đỗ Hạ Đẳng rằng: Chậu lan ông vừa bê tuy nó to, hoa nở xum xuê, nhưng nó là giống lan Trần Mộng, nó đứng hàng sau cùng trong các giòng địa lan cả về vẻ đẹp lẫn hương thơm. Giá của nó chỉ bằng nửa chậu lan Hoàng Vũ. Nhưng không kịp nữa rồi. Chiếc Nissan đã nổ máy và lao đi rất nhanh.

Nguồn: St internet

Bài Viết Mới

Bài Đọc Nhiều

Liên hệ quảng cáo

Tắt Quảng Cáo [X]
Kyoryo Nhật Bản