Lan Hài Đài cuốn - Paphiopedilum appletonianum

Là một trong ba loài lan Hài đẹp của vùng cao nguyên Nam Trung Bộ, Hài cánh sen Paphiopedilum appletonianum còn gọi là Hài đài cuốn hay Vệ hài đài trắng chỉ mọc trên những hốc đá, dưới thác nước, ở độ cao khoảng 1500 m.

Tên Việt Nam: Lan hài đài cuốn, Hài cánh sen, Hài đài cuốn, Lan hài appleton, Vệ hài đài trắng, Vệ hài apleton, hài đài cuộn, lan hài đài cuộn, Lan hài đài cuốn, lan hài táo, hài đài
Tên Latin: Paphiopedilum appletonianum
Đồng danh: Paphiopedilum appletonianum (Gower) Rolfe, 1896. Cypripedium appletonianum Gower, 1893. Paphiopedilum appletonianum var. poyntzianum (O’Brien) Pfitz. 1903.
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Nhóm: Lan đất

Mô tả:

Cây mọc thành bụi nhỏ trên đất mùn. Thân rất ngắn, chìm dưới đất. Lá hình thuôn, dài tới 22cm, rộng 2 - 4cm, xếp 2 dãy, đầu nhọn lệch, màu lục bóng, mặt trên có nhiều đốm nhỏ màu lục nhạt. Cụm hoa thường có một hoa, có cuống chung màu đỏ, dài 17 - 45cm, mảnh, phủ lông ngắn. Lá bắc hai, 1 lá to, dài 3 - 4cm, 1 lá nhỏ, hình mác nhọn.

Hoa màu tím lục, đường kính 8 - 10cm. Lá đài trên hình trứng rộng, màu lục với các chấm màu hồng ở gốc, dài 3,5 - 3,8cm, mép ở phần trên quăn vào trong, méop ở phần dưới quăn ra ngoài. Lá đài dưới hình trứng, rất nhỏ, màu lục nhạt, có 3 răng nhỏ ở đỉnh.

Cánh hoa hình thìa, dài 5 - 5,5cm, rộng 2,5cm, thuôn, đỉnh có 2 - 3 răng nhỏ, từ gốc ra đến giữa mép lượn sóng nhăn nheo, có 13 - 14 chấm màu nâu thẫm, đầu có màu tím hồng. Cánh môi hình mũ sâu, màu tím lục, dài 4cm, mép màu vàng lục, có vài vết lục ở phía trước, mặt trong có lông, miệng có 4 thùy hình tam giác. Nhị lép gần hình tròn, dài 0,7cm, có đầu lõm.

Sinh học: Mùa hoa vào tháng 1 - 2. Tái sinh bằng hạt và chồi.

Nơi sống và sinh thái: Mọc rất rải rác dưới tán rừng mưa nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm, ở độ cao khoảng 1500 m. Cây chịu hạn khá tốt.

Phân bố: Việt Nam: Lâm Đồng (Đà Lạt). Thế giới: Thái Lan, Campuchia.

Giá trị: Dáng cây đẹp, hoa sặc sỡ, có giá trị trồng làm cảnh.

Tình trạng: Loài hiếm. Mức độ đe dọa: Bậc R. Loài có sự phân bố rất hạn chế và số lượng cá thể rất ít, lại có thể bị đe dọa bị tuyệt chủng do môi trường sống là rừng bị thu hẹp lại.

Đề nghị biện pháp bảo vệ:

Là đối tượng bảo vệ trong hệ sinh thái tự nhiên của một số khu rừng cấm ở Đà Lạt. Ngoài ra cần gấp rút thu thập cây sống để trồng trong các vườn thực vật để giữ nguồn gen và nhân giống làm cảnh.

Lan hài đài cuộn - Paphiopedilum appletonianum

Nguồn Sinh vật rừng Việt Nam

 

Đặc điểm nhận dạng: Cỏ lâu năm, có 4 - 6 lá, mọc xoè ra. Lá hình thuôn - bầu dục, cỡ 15 - 25 x 2 - 4 cm, cả 2 mặt loang lổ các khoang màu lục nhạt và lục thẫm. Cụm hoa có cuống dài 20 - 50 cm, mảnh, thường mang 1 hoa. Lá bắc hình mác, dài cỡ 1,5 - 2,1 cm, mép có lông. Hoa rộng 6 - 10 cm, hơi có lông ở mặt ngoài lá đài; lá đài ở gần trục hoa màu lục nhạt với gân dọc màu lục thẫm, hình trứng, cỡ 2,7 - 4,5 x 2 - 3,2 cm; lá đài kia cùng màu, hình bầu dục, cỡ 2 - 3 x 1 - 1,5 cm; cánh hoa màu lục ở phần dưới với nhiều chấm màu đỏ thẫm, ở phần trên chuyển dần thành màu tía - hồng, hình thìa, cỡ 4,4 - 5,8 x 1,2 - 1,8 cm; môi màu nâu tía - nhạt với mạng gân thẫm hơn và mép màu nhạt hơn, dài cỡ 3,6 - 4,6 cm; nhị lép màu vàng, hình trứng ngược rộng, cỡ 0,7 - 0,9 x 0,8 - 0,9 cm; bầu dài 3 - 6 cm, có lông.

Sinh học và sinh thái: Mùa hoa tháng 3 - 5. Tái sinh bằng hạt. Mọc dưới tán rừng nguyên sinh rậm thường xanh nhiệt đới mưa mùa hỗn giao cây lá rộng - cây lá kim trên núi đá granit, ở độ cao 900 - 1900 m, thành nhóm nhỏ trên đất giàu mùn ở sườn gần đỉnh núi.

Phân bố:

Trong nước: Thừa Thiên - Huế (Phú Lộc: núi Bạch Mã), Đà Nẵng (Bà Nà), Kontum (Đắk Glei: núi Ngọc Linh; Kon Plông: Măng Đen, Măng Cành), Đắk Lắk (Krông Bông: núi Chư Yang Sinh), Khánh Hòa (núi Hòn Giao), núi Bì Đúp thuộc các tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Thế giới: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaixia.

Giá trị: Loài Hài khá hiếm, hoa có màu sắc khá đẹp nên được ưa chuộng để trồng làm cảnh làm đa dạng bộ sưu tập Hài cảnh.

Tình trạng: Loài có khu phân bố không hẹp, nhưng nơi cư trú bị chia cắt rải rác với số lượng cá thể không nhiều. Từ vài năm gần đây bắt đầu bị thu hái để bán trồng làm cảnh chủ yếu ở trong nước. Mức độ thu hái không mạnh mẽ như đối với hầu hết các loài Hài khác, nên mới ở mức sắp bị tuyệt chủng.

Phân hạng: VU B1+2b,c,e.

Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "hiếm" (R), đã liệt kê vào Phụ lục 1 của công ước CITES và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng, nguy cấp, quý hiếm (nhóm 1) của Nghị định số 32/2006/ NĐ - CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 để nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Cần bảo tồn các quần thể còn sót lại ở các Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Thạch Nham, Chư Yang Sinh và Bì Đúp, đồng thời thu hạt để gieo ươm bảo tồn ngoại vi (Ex situ).

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 457.

Lan hài đài cuộn - Paphiopedilum appletonianum

Lan hài đài cuộn - Paphiopedilum appletonianum

Bài Viết Mới

Bài Đọc Nhiều

Liên hệ quảng cáo

Tắt Quảng Cáo [X]
Kyoryo Nhật Bản