Cách trồng và chăm sóc lan Vảy rồng ta - Dendrobium lindleyi

Cùng mang tên là lan Vẩy Rồng - Dendrobium lindleyi, và cũng là một cây được xếp vào họ nhà Thủy tiên nhưng cách trồng và chăm sóc Vẩy Rồng Ta lại khác so với Vẩy Rồng Lào, có lẽ do nguồn gốc phân bố của cây nên cách chăm sóc chúng sẽ phải thay đổi sao cho phù hợp.

Cách nhận biết Vảy rồng ta

Hoa Lan Vảy rồng ta là loại lan phân bố rộng, số lượng lớn đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam, ngoài ra còn xuất hiện ở miền trung và khu vực Tây Nguyên...Đặc điểm Vảy rồng ta gần tương tự vảy rồng Lào nhưng dễ thấy là kích thước trung bình hàng ta nhỏ hơn, thân (giả hành) dài khoảng 2,5-5 cm, đường kính 1-2,5 cm, thân cứng. Một điểm khác là giả hành Vảy rồng ta chỉ có 4 khía nổi chạy dọc thân, 4 cạnh hơi lõm nên thân gần như hình trụ chữ nhật. Các giả hành đơn lẻ cũng xếp sát nhau thành mảng tạo cảm giác cứng cáp, chắc chắn như bộ vảy của loài bò sát. Một thân (giả hành) cũng chỉ có một lá rất dày, cứng, màu xanh thẫm ở đỉnh dài khoảng 2-5 cm, bề rộng 2-3 cm, đầu lá tròn.

Vảy rồng ta thường ra hoa mùa xuân – hè, khoảng tháng 4-6 dương. Ngồng hoa phát ra từ giả hành đã trưởng thành, trên một ngồng gồm nhiều bông đơn lẻ tạo thành chùm. Ngồng hoa thường dài 15-30 cm. Mỗi bông đơn kích cỡ khoảng 2-2,5 cm, màu vàng tươi, họng hoa có màu vàng sẫm hơn cánh, môi tròn rộng, có mùi thơm thoảng nhẹ. Cũng như các loại lan họ Kiều, hoa của Lan Vảy rồng ta không bền lắm, tàn sau khoảng 7-10 ngày tùy sức khỏe cây tuy nhiên vẫn được nhiều người yêu thích và được trồng phổ biến.

Hướng dẫn ươm trồng và chăm sóc lan vảy rồng ta

Về giá thể: Theo tôi Vảy rồng ta cũng thích hợp nhất là ghép lên gỗ khúc mới cắt còn vỏ (nhãn, vũ sữa...), tiếp đó là lũa, ít khi trồng vào chậu đất nung với than và vỏ thông do kiểu đi của giả hành dạng mảng sẽ rất khó cố định. Đi một số nơi tôi nhận thấy ghép thẳng Vảy rồng lên thân cây nhãn đang sống cũng phát triển rất tốt, ra hoa đều đặn dù hầu như không cần chăm sóc.

Cách ghép cũng giống như ghép Vảy rồng Lào: Khi mua về ta cắt bớt rễ đi, ngâm dung dịch thuốc kích rễ hoặc B1 1-2 tiếng đồng hồ rồi tiến hành ghép luôn (hoặc để tạm ra nơi râm mát 1 vài ngày sau ghép cũng không vấn đề gì). Một điểm chú ý khi ghép Vảy rồng Lào lên gỗ là ghép sao cho gốc rễ miếng vảy rồng cách khúc gỗ giá thể chút xíu cỡ 0,5 cm sẽ dễ ra rễ hơn (có thể dùng một miếng gỗ nhỏ chèn giữa gốc và gỗ, sau đó dùng dây cố định chặt miếng vảy rồng với khúc gỗ giá thể để việc tưới nước và gió thổi không làm cây lung lay).

Mới ghép các bạn nên chăm chỉ tưới 2-4 lần/ngày, treo nơi râm mát, khoảng 5-7 ngày lại phun thuốc kích rễ 1 lần (Atonik, B1) theo liều lượng loãng hơn trên vỏ chai/gói 1 chút, cứ như vậy cho đến khi ra rễ thì thay thuốc kích rễ bằng phân bón lá NPK 30-10-10 hoặc 20-20-20 cũng 5-7 ngày/lần, bón quanh năm cho đến qua tết âm lịch thì phun NPK 10-30-10 5-7 ngày/lần và treo ra nắng để kích hoa. Sau tàn hoa lại tiếp tục dùng NPK 30-10-10 hoặc 20-20-20...Do ghép gỗ lại không cần xơ dừa, dớn lót nên ta cứ tưới thoải mái nhiều lần trong ngày, nước trôi ngay, có thể thấy giá thể khô lại tưới được còn nếu ẩm thì thôi, đừng lo chuyện bị úng.

Sau khi cây ra rễ khỏe mạnh đưa dần giò vảy rồng ta ra nắng, loài này khi đã thuần có thể chịu nắng trực tiếp thời gian dài trong ngày, thậm chí đủ nắng mới ra hoa, hoa nhiều, đậm màu, bền hơn và nhu cầu về nước khi đã thuần cũng ít đi. Về cơ bản nó là loài ưa nắng, độ ẩm trung bình.

Cách trồng và chăm sóc lan Vảy rồng ta - Dendrobium lindleyi

Cách trồng và chăm sóc lan Vảy rồng ta - Dendrobium lindleyi

Cách trồng và chăm sóc lan Vảy rồng ta - Dendrobium lindleyi

Dựa vào đặc điểm giả hành Vảy rồng ta chỉ có 4 khía nổi chạy dọc thân, 4 cạnh hơi lõm nên thân gần như hình trụ chữ nhật có lẽ là dễ nhận biết và phân biệt nhất vì Vẩy rồng lào thân có nhiều khía nổi nên thân có vẻ giống hình tròn trụ hơn

Theo Phong lan rừng

Bài Viết Mới

Bài Đọc Nhiều

Liên hệ quảng cáo

Tắt Quảng Cáo [X]
Kyoryo Nhật Bản